Theo thông tin mới nhất vừa được RIAV chia sẻ thì đơn vị này sẽ tiến hành thu phí tác quyền đối với hơn 10.000 tác phẩm âm nhạc thuộc quyền sở hữu và quản lý của RIAV tại các tụ điểm ca nhạc trên cả nước. Tụ điểm ca nhạc ở đây bao gồm các trung tâm kinh doanh dịch vụ karaoke, các địa điểm kinh doanh dịch vụ ca hát có sử dụng thiết bị karaoke.

Cụ thể, mức phí được RIAV áp dụng là 2.000 đồng/bài/đầu máy karaoke trong thời hạn 1 năm. Trước khi tiến hành việc thu phí này, RIAV đã khảo sát hoạt động kinh doanh karaoke có sử dụng tác phẩm âm nhạc thuộc quyền quản lý của RIAV tại 3 tỉnh Quảng Ninh, Trà Vinh và Bến Tre vào cuối năm 2016.

Theo đại diện RIAV, các đơn vị kinh doanh dịch vụ karaoke hiện sử dụng các sản phẩm bản ghi (bao gồm bản ghi âm và bản ghi hình) âm nhạc thuộc quyền sở hữu, quyền quản lý của RIAV vào mục đích kinh doanh, nhằm thu lại lợi nhuận khi chưa có sự thỏa thuận và được phép của các chủ sở hữu.

Trong khi đó theo điều 33 của Luật Sở hữu trí tuệ, các tổ chức, cá nhân sử dụng trực tiếp hoặc gián tiếp bản ghi âm, ghi hình đã được công bố nhằm mục đích thương mại, thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào đều phải trả tiền cho hai đối tượng là chủ sở hữu quyền tác giả; chủ sở hữu quyền liên quan (Quyền của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình và của ca sĩ) theo thỏa thuận kể từ khi bắt đầu sử dụng. Tuy nhiên, thực tế hiện nay thì các chủ sở hữu bản quyền sản phẩm âm nhạc đều chưa thu các khoản phí này từ các đơn vị kinh doanh dịch vụ karaoke.

Theo tìm hiểu được biết mô hình kinh doanh karaoke hiện nay rất đa dạng, số lượng các ca khúc được sử dụng tại các địa điểm này cũng khó kiểm soát, vì vậy vấn đề thu phí bản quyền từ trước tới nay vẫn gặp nhiều khó khăn. Mức phí 2.000 đồng/bài/đầu máy karaoke trong thời hạn 1 năm tuy không nhiều nhưng với hàng ngàn ca khúc được sử dụng, trung bình mỗi đầu máy sẽ phải trả khoảng 20 triệu đồng/năm.

Hà Tùng Long

Nguồn: dantri.com.vn